Số phận của vài chỉ huy SS Schutzstaffel

Rudolf Diels là mục tiêu trong vụ thanh trừng đẫm máu vì Quốc xã muốn giết người bịt miệng sau vụ dàn cảnh đốt Tòa nhà Nghị viện, nhưng ông trốn thoát được. Sau chiến tranh, ông không bị truy tố vì chỉ làm chỉ huy trưởng Gestapo trong thời gian ngắn ban đầu, lúc Gestapo chưa phạm tội ác chiến tranh. Nhưng ông được Tòa án Nürnberg gọi ra làm nhân chứng trong các phiên xử.

Adolf Eichmann bị Do Thái bắt năm 1960 ở Argentina, dẫn về Do Thái bị tuyên án tử hình, nhận thi hành án bằng cách treo cổ năm 1962.

Karl Hermann Frank, Đại tướng SS, Thủ lĩnh SS và Cảnh sát Böhmen và Mähren, bị Tiệp Khắc xử treo cổ công khai năm 1946.

Richard Gluecks, Thượng tướng Waffen-SS, Tổng Thanh tra các trại tập trung, tự tử sau khi đầu hàng năm 1945 để tránh bị đưa ra tòa.

Hermann Göring bị Tòa án Nürnberg tuyên án tử hình năm 1946. Hai tiếng đồng hồ trước khi đến lượt bị thi hành án bằng cách treo cổ, Göring nuốt thuốc độc trước đấy đã được lén đưa vào nhà tù.

Karl-August Hanke,, Lãnh tụ SS thay thế Himmler (1945), bị quân kháng chiến Ba Lan hoặc Tiệp Khắc bắt và xử tử năm 1945.

August Heißmeyer, Đại tướng cấp cao SS, Trưởng ban Giáo dục của SS, bị án tù 18 tháng (1948), bị Tòa án Bài trừ Quốc xã tuyên thêm án tù 3 năm (1950), qua đời năm 1979.

Reinhard Heydrich bị quân kháng chiến Tiệp Khắc sát hại năm 1942.

Heinrich Himmler sau chiến tranh tìm cách liên hệ với Đồng minh để đàm phán hòa bình nhưng bị từ chối, chạy trốn nhưng vẫn bị quân Anh bắt, tự tử năm 1945 trước khi bị xét xử.

Rudolf Höß, Trung tá SS, chỉ huy trại tập trung Auschwitz, bị Ba Lan xử tử hình 1947.

Friedrich Jeckeln, Đại tướng SS, Thủ lĩnh SS và Cảnh sát ở Liên Xô, năm 1946 bị Liên Xô đưa ra xét xử rồi thi hành án tử hình trong vòng một ngày.

Ernst Kaltenbrunner, Đại tướng SS, Giám đốc Cơ quan RSHA (1942-1945), Thủ lĩnh SS và Cảnh sát Donau, viên chức SS cao cấp nhất sống sót sau chiến tranh, năm 1946 bị Tòa án Nürnberg xử tử hình.

Josef Kramer, Đại úy SS, chỉ huy trại tập trung Bergen-Belsen, năm 1945 bị xử tử hình.

Heinrich Müller, Đại tướng SS, giữ vai trò quan trọng trong việc thủ tiêu người Do Thái, chỉ huy việc truy lùng nhóm âm mưu ám sát Hitler ngày 20 tháng 7, 1944 do Claus von Stauffenberg thực hiện, mất tung tích sau khi Hitler tự sát ngày 30 tháng 4, 1945.

Otto Ohlendorf, Thượng tướng SS, Trưởng phòng Amt III (Tình báo nội bộ) thuộc RSHA, chỉ huy Đội Đặc nhiệm D ở Ukraina và Crimea, bị Tòa án Nürnberg xử tử hình năm 1951.

Oswald Pohl, Đại tướng Waffen-SS, Cục trưởng Kinh tế và Hành chính của SS (WVHA), tham gia thủ tiêu người Do Thái trong các trại tập trung, bị Tòa án Nürnberg xử tử hình năm 1951.

Walther Schellenberg, Thiếu tướng SS, Phó Giám đốc RSHA (1939-1942), thay thế Canaris làm Giám đốc Cục Quân báo (1944), bị án 6 năm tù nhưng được trả tự do sớm (1951) vì lý do sức khỏe, qua đời năm 1952.

Alfred Six, Trung tướng SS, lên kế hoạch khủng bố và đàn áp chính trị ở Anh nếu Đức đổ bộ được lên đất Anh, bị Tòa án Nürnberg xử 20 năm tù (1948), được giảm án còn 15 năm (1951), qua đời năm 1975.

Jürgen Stroop, Thượng tướng SS, Thủ lĩnh SS và Cảnh sát Warszawa, Ba Lan, năm 1952 bị Ba Lan xử tử hình.